Hội nghị đầu bờ “Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất cà rốt tại Cẩm Giàng, Hải Dương”
Cập nhật lúc 10:56, Thứ tư, 09/12/2020 (GMT+7)
Ngày 07/12/2020, Viện Sinh học Nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ Hải Dương tổ chức hội nghị đầu bờ “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Hội nghị được tổ chức tại thôn Uyên Đức, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tham dự hội nghị có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, đại diện các HTX và các hộ nông dân tham gia mô hình.
Hội nghị đầu bờ “Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất cà rốt tại Cẩm Giàng, Hải Dương”
Ngày 07/12/2020, Viện Sinh học Nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ Hải Dương tổ chức hội nghị đầu bờ “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Hội nghị được tổ chức tại thôn Uyên Đức, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tham dự hội nghị có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, đại diện các HTX và các hộ nông dân tham gia mô hình.
Chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng là chế phẩm được Viện Sinh học Nông nghiệp chế tạo thành công bao gồm các vi khuẩn quang hợp Rhodobacter spp. có khả năng chuyển hóa các nguồn dinh dưỡng các bon, nitơ, sinh tổng hợp các chất điều tiết sinh trưởng thực vật như IAA, ALA, các axit amin, các sắc tố quang hợp, chất kháng sinh…Vi khuẩn quang hợp được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng thực vật và cải thiện chất lượng cây trồng, làm tăng hàm lượng Ni tơ trong đất, thúc đẩy sự chuyển đổi của các chất ô nhiễm độc hại như thuốc trừ sâu, kim loại nặng, thúc đẩy sự gia tăng vi sinh vật có lợi….
Vụ Đông Xuân 2020-2021, các mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất cà rốt được triển khai thực hiện với quy mô 1,5 ha/mô hình tại 3 xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ và Đức Chính của huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các hộ nông dân trồng cà rốt, khi sử dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng, cây cà rốt có sức sinh trưởng khỏe, cứng cây, lá xanh tốt, đồng thời tỷ lệ sâu bệnh hại giảm thấp. Theo ước tính, năng suất cà rốt có thể tăng lên từ 25-28%, hiệu quả kinh tế tăng lên khoảng 38% so với đối chứng.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Lê Lương Thịnh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cũng khẳng định những lợi ích của chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng đối với đất trồng và cây trồng. Trong xu hướng chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đồng chí hoàn toàn ủng hộ và mong muốn Viện Sinh học Nông nghiệp đưa vào ứng dụng nhiều hơn nữa những sản phẩm khoa học vừa làm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân vừa góp phần giảm thiểu những tác hại của hóa chất trong canh tác rau màu trên địa bàn tỉnh Hải Dương.