Ngày 14 tháng 08 năm 2021, trong khoảng thời gian 14h00 – 17h00, nhóm nghiên cứu mạnh Cây màu đã tổ chức buổi thảo luận chuyên môn theo hình thức họp online trên phần mềm Ms team. Tham dự buổi thảo luận có 15 Thầy Cô đến từ các khoa, Viện nghiên cứu bao gồm: khoa Nông học, Viện Sinh học Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Phát triển Cây trồng. Buổi thảo luận đã diễn ra thành công tốt đẹp với một số nội dung:
Mở đầu, TS. Nguyễn Xuân Trường – Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp trình bày bài thuyết trình về “Chọn tạo giống khoai tây chịu mặn” với các thành viên tham dự. Hiện nay, vấn đề xâm nhập mặn ở các vùng ven biển đang là vấn đề quan tâm rất lớn của bà con nông dân. Diện tích đất canh tác bị nhiễm mặn ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác hoa màu của người dân vùng ven biển, gây ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp. Đứng trước vấn đề đó, các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu, tìm kiếm, chọn lọc các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như thổ nhưỡng của các vùng ven biển, trong đó, khoai tây vụ Đông – Xuân đang là một hướng đi có rất nhiều triển vọng. Nhóm các nhà khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp đã và đang tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống khoai tây mới có khả năng chống chịu mặn khá, cho năng suất và chất lượng cao nhằm phát triển vùng nguyên liệu ổn định tại các vùng ven biển phía Bắc. Với các tổ hợp lai khoai tây nhập nội từ Hà Lan, các tác giả đã tiến hành đánh giá khả năng chịu mặn và chọn lọc nhanh các dòng khoai tây mới lai tạo trong điều kiện in vitro, sau đó tiếp tục đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của các dòng khoai tây có khả năng chịu mặn trên đồng ruộng. Một số tổ hợp lai tốt đã được chọn lọc bao gồm: 1906 (27 dòng), 2076 (31 dòng), 2081 (19 dòng). Các tổ hợp này đã được đánh giá khả năng chịu mặn ở 5 nồng độ mối khác nhau trong điều kiện phòng thí nghiệm (0 mM, 10 mM, 50 mM, 100 mM, 150 mM), cho kết quả chống chịu mặn khá và tốt ở các dòng: 1906-2, 1906-26, 1906-27, 1906-44, 1906-47, 1906-60, 1906-61, 2076-45, 2076-55, 2076-56, 2076-58, 2076-68, 2076-70, 2081-4, 2081-21. Sau khi đánh giá sinh trưởng trong điều kiện in vitro, các tác giả tiếp tục đánh giá sự sinh trưởng của các tổ hợp lai ngoài đồng ruộng trong vụ sản xuất Đông-Xuân 2019-2020 tại vùng đất Thái Bình. Các số liệu về đường kính củ, số củ/khóm, khối lượng trung bình củ, khối lượng trung bình/khóm và các đặc điểm về hình dạng, màu sắc củ đã được ghi lại. Một số dòng khoai tây tiềm năng năng suất cao, phù hợp với chế biến như 1906-44, 2076-41, 2076-45, 2076-56, 2076-70, 2081-22 được đánh giá cao. Các dòng khoai tây này sẽ được nhóm tác giả tiếp tục khảo nghiệm trong thời gian tới tại nhiều vùng đất ven biển khác như tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An… nhằm đưa ra dòng khoai tây tốt, cho năng suất, chất lượng cao, góp phần đóng vai trò là cây trồng chủ lực trong vụ sản xuất Đông-Xuân của người dân vùng ven biển.
Hình 1: Ảnh hưởng của các nồng độ muối NaCl đến các dòng khoai tây nuôi cấy mô
Hình 2: Hình ảnh củ của một số dòng khoai tây khảo nghiệm trồng trên đồng ruộng
Sau khi các thành viên tham dự nghe và thảo luận về chủ đề “Chọn tạo giống khoai tây chịu mặn” do TS. Nguyễn Xuân Trường trình bày, buổi thảo luận tiếp tục với seminar “Các vấn đề trong nuôi cấy in vitro giống dâu tây “Sunraku” nhập nội từ Nhật Bản” do CN. Đỗ Thị Mai – cán bộ Viện Sinh học Nông nghiệp thuyết trình.
Vật liệu nghiên cứu của đề tài là giống dâu tây Sunraku thuộc loại phản ứng trung tính với ánh sáng, có sức sinh trưởng khỏe, chống chịu nấm phấn trắng, quả có mầu đỏ tươi, thịt quả chắc và ngọt, rất thích hợp với vùng có khí hậu nóng ẩm như đồng bằng Sông Hồng. Từ vật liệu ban đầu là tay bò được lấy từ cây mẹ 2 năm tuổi trồng trong nhà màn có mái che tại Trang trại Nông Trang Xanh (Mộc Châu, Sơn La), mẫu được khử trùng với HgCl2 0,1% ở các thời gian khử trùng khác nhau. Kết quả cho thấy, khử mẫu trong thời gian 4 phút đạt tỷ lệ mẫu sạch bệnh cao nhất (100%), tỷ lệ sống đạt 80%. Trong giai đoạn nhân nhanh, việc bổ sung các chất điều tiết sinh trưởng như BA, TDZ, kinetin, IBA là cần thiết để tạo hệ số nhân chồi cao. Trong các công thức thí nghiệm, môi trường bổ sung 0,75 mg/l BA kết hợp với 0,3 mg/l IBA cho hiệu quả nhân chồi cao nhất (23,1 chồi/mẫu), chất lượng chồi tốt, chồi to, khỏe. Đối với giai đoạn ra rễ tạo cây hoàn chỉnh, nồng độ dinh dưỡng khoáng ½ MS có ảnh hưởng tốt đối với sự hình thành rễ của cây. Tác dụng của α-NAA cũng nhận thấy tương tự khi thêm 0,3 mg/l vào môi trường nuôi cấy. Rễ con tạo ra có chiều dài trung bình, rễ to, mập, giúp cho cây sống sót cao hơn khi đưa ra ngoài vườn ươm. Ngoài việc nhân nhanh số lượng cây lớn trong thời gian ngắn cung cấp cho sản xuất thì việc duy trì mẫu trong nuôi cấy mô cũng hết sức quan trọng. Các nghiên cứu đã tiến hành bao gồm ảnh hưởng của các nồng độ đường và các nồng độ nano bạc khác nhau đến sự sinh trưởng của cây dâu tây trong điều kiện in vitro. Kết quả cho thấy, khi bổ sung 0,45 g/l đường sucrose hoặc bổ sung 2,0 g/l nano bạc vào môi trường nuôi cấy làm chậm quá trình sinh trưởng, phát triển của dâu tây Sunraku so với công thức đối chứng, tuy nhiên cây vẫn phát triển đồng đều, rễ to, khỏe rất thích hợp cho việc lưu giữ mẫu lâu dài, giúp tiết kiệm thời gian và môi trường cấy chuyển.
Một vấn đề khác được đề cập đến trong nghiên cứu là ảnh hưởng của số lần cấy chuyển đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Xuất phát từ thực tế cho thấy, cây dâu tây được cấy chuyển quá nhiều lần sẽ xuất hiện các hiện tượng như cây phát triển không đồng đều, cây bị biến dị, sinh trưởng kém…Do đó, nhóm tác giả đã và đang tiến hành thí nghiệm nhằm đánh giá mức độ biến dị, thoái hóa của mẫu nuôi cấy. Nhận thấy rằng từ lần cấy chuyển thứ nhất đến lần cấy chuyển thứ 5, hệ số nhân, độ đồng đều của dâu tây giảm dần, tỷ lệ sống khi đưa cây ra ngoài vườn ươm từ 95% ở lần cấy chuyển 1 xuống lần cấy chuyển 5 chỉ còn 40%. Vì vậy, trong sản xuất dâu tây, nên cân nhắc cấy chuyển dâu tây một số lần thích hợp (4-5 lần), tránh làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như hiệu quả kinh tế mà cây dâu tây mang lại.
Hình 3: Ảnh hưởng riêng rẽ của các chất điều tiết sinh trưởng đến khả năng phát sinh hình thái mẫu nuôi cấy (A. BA; B. Pic; C. TDZ, D. Kinetin)
Hình 4: Ảnh hưởng của các nồng độ đường sucrose khác nhau đến khả năng phát triển của mẫu nuôi cấy
Kết thúc buổi seminar, TS. Nguyễn Xuân Trường tổng kết các ý kiến đóng góp, thảo luận của các Thầy, cô tham dự và mong muốn nhóm Nghiên cứu mạnh Cây màu sẽ có thêm nhiều buổi seminar để trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu cũng như sản xuất về nhiều loại cây trồng khác nhau nhằm tăng cường học hỏi, nâng cao kiến thức, năng lực của các cán bộ nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến hay, bổ ích có thể áp dụng được trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Hình 5: Hình ảnh các Thầy, cô trong buổi thảo luận online trên phần mềm MS Team